Tin tức
ANTD.VN - Từ lâu lắm rồi, làng Xối Chì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã có một cái tên khác nghe mong manh dễ vỡ - làng thủy tinh. Cái tên làng vốn rất rắn rỏi liên quan đến thứ kim khí chì cũng phải đổi thay theo cái nghề mới - mới mà cũng đã vài trăm năm.
Làng cũ, nghề mới
Làng Xối Chì chẳng khác nhiều so với cảnh làng quê. Vẫn con đường cái quan chạy dọc với những đồng ruộng và cây đa, bến nước, sân đình; vẻ yên ả nơi thôn dã vẫn giữ y nguyên, khác biệt với nhiều ngôi làng đang “lột xác” thành phố làng.
Xối Chì vốn là một trong những ngôi làng cổ kính nhất trấn Sơn Nam Thượng xưa. Những ngọc phả, sắc phong các triều đã chứng minh cho một thời huy hoàng của vùng đất lành chim đậu. Cụ Nguyễn Thế Ao (96 tuổi), người cuối cùng của làng còn biết đọc thạo các chữ nho trong cuốn sổ ghi chép bằng giấy dó vàng nhựa bỏm bẻm bảo: “Chẳng biết có phải không, nhưng nghe các cụ nói cái tên làng này liên quan đến nghề kim khí. Cùng thời với các làng cổ ở các trấn khác như Ngũ Xã làm đồng, Đồng Xâm làm bạc, thì Xối Chì làm chì”.
Cho đến nay, trên giấy tờ chính danh làng Xối Chì vẫn chưa một lần thay tên đổi họ. Nhưng người ngoài, nhắc đến Xối Chì thì hiếm người biết lắm. Có hỏi thăm đến đây, thì phải nói rõ đến làng thủy tinh, thì mới được chỉ dẫn tận tường. Còn nếu không, người ta cứ lắc đầu nguầy nguậy.
Ông Phạm Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh nói: “Tôi cũng nghe các cụ nói về nghề cũ của làng. Còn nghề làm thủy tinh chỉ là nghề mới. Mới nhưng cũng vài trăm năm rồi đấy. Nghề có từ thời nào, tôi không rõ, nhưng lại biết rõ người làng làm nghề do học được người Trung Quốc ngày xưa”.
Kể ra, vài trăm năm vẫn làm một thứ nghề mà gọi ấy là nghề mới thì quả là không phải. Nhưng theo nhiều cao niên, gọi nghề làm thủy tinh là nghề mới để rõ ràng rằng, nghề làm chì xưa kia của làng này cũng là trứ danh đệ nhất thiên hạ. Để đến bây giờ, trên đất nước Việt ta không còn một ngôi làng nào làm nghề ấy nữa, mới biết rõ cái khó và cái khéo tay của người Sơn Nam Thượng.
Sự khéo ấy được minh chứng một lần nữa qua nghề làm thủy tinh. Đồn rằng, xưa kia người Xối Chì còn được chọn làm đồ thủy tinh cho triều đình nhà Nguyễn. Nhưng sự đồn ấy lại là sự thật, khi nhiều nhà sưu tầm cổ vật Thiên Trường (Nam Định) tìm thấy đồ thủy tinh cung đình, mà dưới trôn những thứ vật ấy đều ghi rõ hai chữ Hán: Xối Chì.
Nghề cần đến… hơi thở
Thực là không ngoa chút nào khi nói những người trong ngôi làng này có thể “thở” ra thủy tinh. Sau mỗi đợt lấy hơi, truyền cái hơi ấy đi qua cái ống dài gần 2m là thành một thứ vật thủy tinh tuyệt đẹp. Anh Phạm Xuân Dương, chủ một xưởng thủy tinh lớn nhất Xối Chì cho biết: “Mỗi nghề có một cái hay, một cái đặc trưng riêng. Nếu như có nghề cần đến trí óc, cần đến đôi tay tài hoa thì nghề làm thủy tinh lại cần hơi thở. Hơi thở ấy phải chính xác đúng độ như thể người ta chính xác đúng giờ”. Theo anh Dương, quan trọng nhất của nghề này là biết lấy hơi thở để thổi ra bằng mồm. Vì thế, nói đây là nghề làm thủy tinh thì không chính xác lắm. Chính xác, phải gọi là nghề thổi thủy tinh.
“Một người thợ thủy tinh phải biết làm lò đất, phải biết các thủ thuật của nghề. Nghề này có hơi khác là để sản phẩm thành công phải làm đúng kỹ thuật và phải đúng thời gian. Thổi chậm vài giây, thủy tinh nguội đi cứng ngắc coi như đập bỏ”.
Anh Phạm Xuân Dương (Chủ xưởng thủy tinh lớn nhất làng Xối Chì)
Ông Phạm Thanh Đồng bảo rằng: “Nghề này, thời bao cấp là vinh quang nhất. Địa phương thành lập được cả những hợp tác xã quy tụ cả hàng nghìn thợ giỏi. Sản phẩm cung ứng cho cả nước, và gần như là độc quyền. Bây giờ thì nghề đã phôi phai nhiều, nhiều người thôi không làm nghề nữa, và nhiều xưởng sản xuất cũng đã đập lò”. Anh Dũng, thợ cả làm việc trong xưởng của anh Dương tự hào: “Các anh có hay uống bia hơi không? Tất cả những cái cốc thủy tinh màu xanh nhạt để đong bia đều là do làng chúng tôi thở ra đấy. Tôi đảm bảo với anh, loại cốc ấy ngoài làng tôi thì không đâu làm cả”.
Nói đoạn, anh Dũng kể gia đình anh đến cả chục đời thổi thủy tinh rồi. Ngày xưa, cụ anh Dũng làm việc trong một xưởng sản xuất của Tây, chuyên làm thủy tinh mỹ nghệ cao cấp để thực dân Pháp đem về châu Âu. Bản thân anh Dũng được học nghề từ cha và các anh trai. Đến nay, dù đã là thợ giỏi nhưng còn một số mẫu vật anh vẫn chưa học được. Nhưng anh sẽ cố, dù biết rằng sẽ còn phải mất nhiều công sức, hơi thở.
Theo tính toán của ông Phạm Thanh Đồng, thời bao cấp thì cả làng làm nghề. Nay, chỉ còn khoảng 6 xưởng sản xuất nữa. Mỗi xưởng, tính trung bình khoảng 10 công nhân. Như vậy, còn tổng khoảng 60 người làm nghề. So với cả nghìn nhân khẩu, con số 60 ấy đã ít quá rồi, nên nghề thổi thủy tinh cũng phập phù sắp “vỡ”.
Một người thợ thổi thủy tinh phải có nhiều hơi
“Phùng mang, trợn má” bên “hỏa ngục” đến nửa đêm
Anh Phạm Xuân Dương cho biết: “Nghề thổi thủy tinh vất vả lắm. Từ sáng sớm, tôi phải đốt lò. Chờ khoảng 5 tiếng cho nhiệt độ tăng lên ở ngưỡng 2.000 độ C. Đến 11 giờ, các thợ đến ăn cơm xong là bắt tay vào việc. Mùa này, nhiệt độ trong xưởng còn đỡ. Mùa hè, anh thử tính cái nóng trong lò tỏa ra thì khác gì “hỏa ngục”.
“Thời bao cấp thì cả làng làm nghề. Nay, chỉ còn khoảng 6 xưởng sản xuất nữa. Mỗi xưởng, tính trung bình khoảng 10 công nhân. Như vậy, còn tổng khoảng 60 người làm nghề. So với cả nghìn nhân khẩu, con số 60 ấy đã ít quá rồi, nên nghề thổi thủy tinh cũng phập phù sắp “vỡ”.
Ông Phạm Thanh Đồng (Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định)
Thông thường, các thợ làm thủy tinh ở Xối Chì sẽ “phùng mang trợn má” từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm. 12 tiếng dồn hơi vào ống thổi thủy tinh, thì quả thực đến những người luyện hơi chuyên nghiệp như các nghệ sĩ kèn Saxophone hay Trompet 8 van cũng khó địch được. Ấy vậy, cả mấy trăm năm nay người Xối Chì vẫn làm được. Vừa nóng, vừa mệt nhưng bù lại đồng công đem về cũng không quá rẻ mạt. “Một thợ làm đều đều, mỗi tháng cũng có trung bình 7 triệu đồng”, anh Dương cho biết.
Trong xưởng sản xuất, những người thợ lành nghề sẽ phụ trách việc thổi thủy tinh. Thợ trẻ hơn thì quay ống thủy tinh đã thành hình trên một cái thanh sắt, rồi sau đó chuyển đến lò ga để cắt sản phẩm. Sau cùng, người mới học việc sẽ dùng 2 thanh sắt móc những sản phẩm ấy ủ vào trong lớp tro nguội. “Nói thì có vẻ rất gọn và nhanh. Nhưng để thành thợ được cũng mất 10 năm đấy. Như tôi đây, từ khi còn là thiếu niên, đến khi lấy vợ có con mà vẫn chưa thành nghề. Cái nghề này, ngoài việc có đủ hơi, còn phải nhanh tay và có sức bền mới theo được”, anh Dương tâm sự.
Có một điều đặc biệt và cũng hơi lạ lùng, ở tất cả các xưởng thổi thủy tinh ở Xối Chì không hề có bóng dáng phụ nữ. Hỏi ra mới biết, phụ nữ nhiều người cũng từng học nghề nhưng không ai làm được. Nghề vừa vất vả, lại kén người, kén cả giới tính nữa.
Gương mặt ấn tượng của người làm nghề
Cận cảnh một chiếc cốc vừa mới đưa ra khuôn